Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính phổ biến và nguy hiểm. Hiện có khoảng 300 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này và ước tính đến năm 2025 sẽ có 400 triệu người bị hen phế quản, 250.000 người tử vong do bệnh hen.
Xem hình

Điều đáng lưu ý là 85% số ca tử vong do hen là có thể phòng tránh được. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Sáng kiến toàn cầu về Hen phế quản (GINA) đã chọn ngày thứ 3 đầu tiên trong tháng 5 hằng năm là Ngày Thế giới Phòng chống Hen.

Tại Hà Nội, ngày 10/5/2011, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Hội Hen, Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học và Lễ mit tinh Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Hen 2011. Tới dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế: GS.TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng Việt Nam; TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS Trần Thúy Hạnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng ban quản lý Dự án Hen phế quản; lãnh đạo của các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế, cùng đại diện các bệnh viện và Sở Y tế.

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Hen 2011 là “Bạn có thể kiểm soát bệnh hen của chính mình”. Trong toàn bộ chương trình phòng chòng chống hen, thì kiểm soát hen là vấn đề trung tâm, nhưng hiện nay, tỉ lệ kiểm soát hen tại cộng đồng trên phạm vi toàn thế giới vẫn ở mức rất thấp là 5%. Các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do ô nhiễm môi trường sống và lao động; sử dụng bừa bãi thuốc và hóa chất trong điều trị và đời sống; nhịp sống khẩn trương, nhiều stress; khí hậu nóng ẩm ở các nước ven biển; thiếu kiến thức về bệnh hen, nhiều phương pháp điều trị thiếu hiệu quả, không có điều trị dự phòng lâu dài; người bệnh, gia đình và xã hội còn xem nhẹ bệnh hen.

Theo kết quả sơ bộ của Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng hen phế quản ở Việt Nam (2010)”, tỉ lệ mắc hen sau khi khám lâm sàng và đo lưu lượng đỉnh là 3%, tỉ lệ dùng thuốc xịt điều trị hen chiếm 41,8%, tỉ lệ có dùng các thuốc dự phòng hen là 37,9%, tỉ lệ kiểm soát hen ở người lớn: 39,7%.

Trong 6 năm (2004-2010), Dự án Hen Phế quản của Bộ Y tế đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và chuyển giao kỹ thuật xây dựng Phòng tư vấn Hen tại các bệnh viện đa khoa 20 tỉnh trên toàn quốc; tổ chức được 40 khóa tập huấn về kiến thức điều trị và phòng chống hen, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản cho 4.000 nhân viên y tế tuyến tỉnh, huyện và xã. Những kinh nghiệm hoạt động của phòng tư vấn tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang và Bắc Ninh đã được tổng kết và trình bày tại Hội nghị.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các thầy thuốc cập nhật những thông tin mới về hen phế quản trẻ em, hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hiệu quả lâm sàng và kinh tế của điều trị dự phòng hen phế quản bằng Seretide (salmeterol/fluticasone) tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua các cơ quan truyền thông, thông tin về bệnh hen phế quản sẽ đến được với người bệnh để họ có thể “kiểm soát bệnh hen của chính mình”.