Năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào ngưỡng “già hóa dân số” khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm xấp xỉ 10% dân số.
Xem hình
Tiết mục văn nghệ của Người cao tuổi trong Hội thảo

Năm 1989, số người cao tuổi ở Việt Nam là 4,64 triệu (chiếm 7,2% dân số), năm 1999 con số này là 6,19 triệu (8,1%); năm 2009 7,45 triệu (8,68%) và năm 2010 là 8,15% triệu (9,4%). Dự báo đến năm 2034, người cao tuổi (trên 60 tuổi) sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi. Trước thực trạng đó, sáng ngày 29/9/2011, tại Hà Nội, Hội Y tế Công cộng Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia về “Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong thực hiện luật và các chính sách cho người cao tuổi Việt Nam”. Mục đích Hội thảo nhằm nâng cao vai trò và sự phối hợp tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong hoạt động bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe, đồng thời giới thiệu những sáng kiến, mô hình hỗ trợ người cao tuổi đang triển khai có hiệu quả trong toàn quốc.

Việc tăng nhanh tỷ lệ người cao tuổi sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống như kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tinh thần của cá nhân, gia đình, cộng đồng mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để “già hóa dân số” không là gánh nặng cho xã hội thì việc chuẩn bị tốt về chính sách, chiến lược của nhà nước, ngành Y tế và của nhiều tổ chức dân sự xã hội là cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Về xây dựng và giám sát thực thi chính sách cho người cao tuổi, hiện nay Hội Người cao tuổi Việt Nam đang phối hợp với Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi đôn đốc việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Người cao tuổi. Tổ giám sát thực hiện Luật và các chính sách đối với người cao tuổi đã được thành lập tại 4 tỉnh thành và đang được nhân rộng tại một số tỉnh, thành khác trong cả nước, nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi, góp phần đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống…

Về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, Hội Y tế Công cộng Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi ở các địa phương đã triển khai nhiều mô hình can thiệp với nhiều hoạt động phong phú. Đã có 110 hội viên được cung cấp các kiến thức và kỹ năng để trở thành các tuyên truyền viên, truyền thông thay đổi hành vi sức khỏe ở các hộ gia đình. Điển hình như mô hình được triển khai tại xã Phương Công (huyện Tiền Hải, Thái Bình), người cao tuổi có cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng như tư vấn, giám sát về tình hình hút thuốc và uống rượu bia, về cung cấp kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho các hộ gia đình tại xã. Bên cạnh các mô hình kể trên, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà hoặc nhà dưỡng lão cũng được triển khai, tạo nên sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi. Thông qua các mô hình này, người cao tuổi có cơ hội được tăng cường giao lưu, chăm sóc và cảm thấy hữu ích cho cộng đồng.

Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước và ngành Y tế đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người cao tuổi nhưng cuộc sống của người cao tuổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sự chung tay góp sức của cộng đồng và các tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người cao tuổi, để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, sống có ích trong xã hội.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK