“Cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để trình Chính phủ vào quý IV năm nay”. Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập diễn ra tại Hà Nội sáng 14/9 do Bộ Y tế và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức.
Xem hình
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh đến việc trong hơn 3.000 dịch vụ y tế đang được thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành khung giá từ năm 1995, đến nay đã 16 năm chưa được điều chỉnh và 2.650 dịch vụ được ban hành khung giá từ tháng 1/2006, đến nay cũng đã gần 6 năm. Bộ trưởng khẳng định, việc điều chỉnh là yêu cầu cần thiết và cấp bách. Bởi lẽ, trong khi mức lương cơ bản đã tăng từ 120.000 đồng những năm 1990 lên mức 830.000 đồng hiện nay mà giá dịch vụ y tế vẫn không thay đổi là điều hết sức vô lý. Quan điểm của ngành y tế khi xây dựng Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính là phải tạo điều kiện để ngành y tế hoạt động theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; cơ cấu lại phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên cho vùng núi, vùng khó khăn, y tế dự phòng, y tế cơ sở, ưu tiên chi đầu tư phát triển để nâng cấp và hoàn thiện hệ thống y tế công lập. Nhà nước đảm bảo ngân sách cho các hoạt động y tế dự phòng, DS-KHHGĐ và ATVSTP. Đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí phục vụ người bệnh, phần Nhà nước đã đầu tư thì không thu của người bệnh. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về giá và chất lượng dịch vụ y tế. Người bệnh thuộc đối tượng chính sách xã hội do Nhà nước đảm bảo, các đối tượng còn lại phải chi trả nhưng có sự chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước, xã hội và người bệnh, phù hợp với điều kiện của các vùng/miền, với khả năng cân đối quỹ BHYT và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tăng đầu tư, phát triển bệnh viện công.

Cùng quan điểm với người đứng đầu ngành y tế, TS. Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E cũng cho rằng, nếu không nhanh chóng đổi mới cơ chế tài chính thì ngành y tế sẽ tiếp tục chảy máu chất xám. Thực tế có rất nhiều bác sĩ giỏi vì không sống được bằng đồng lương và phụ cấp ít ỏi đã bỏ bệnh viện công để chuyển sang làm tại các phòng khám, bệnh viện tư nhân. Trong khi nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, điện, nước, xăng dầu… đã điều chỉnh mà giá dịch vụ y tế vẫn giậm chân tại chỗ khiến cho nhiều bệnh viện trì trệ, bế tắc. Đại diện cho một đơn vị ở địa phương, BS. Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình thì bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của người dân khi giá dịch vụ y tế tăng trong nay mai. Nhưng ông Dương cũng khẳng định, đây là nhu cầu bức thiết để các bệnh viện có thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Bởi lẽ với cơ chế tài chính và khung giá viện phí hiện nay thì không thể đảm bảo cho các bệnh viện hoạt động tốt. Rồi chi phí cho chống nhiễm khuẩn bệnh viện không đủ trong khi tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức 30-40% thì người bệnh cuối cùng vẫn phải gánh. Đây là điều mà không ai mong muốn.

Chia sẻ với những trăn trở của ngành y tế, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, mục đích cao nhất của việc đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của ngành y tế chính là để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các ban ngành liên quan để sớm đưa ra khung giá dịch vụ y tế sát với tình hình thực tế, trình Chính phủ ban hành và dự kiến có thể đưa vào triển khai vào năm 2012 - 2013.

Kết luận tại hội nghị, sau khi nghe những kiến nghị, đề xuất của ngành y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để trình Chính phủ vào quý IV năm nay. Việc đổi mới cơ chế tài chính và điều chỉnh giá viện phí này sẽ không ảnh hưởng lớn đến các đối tượng đặc thù được Nhà nước hỗ trợ và tạo nên bước đột phá cho ngành y tế. Nhưng việc điều chỉnh giá viện phí cần phải dựa trên tình hình thực tế và không vượt quá khả năng chi trả so với thu nhập của đại bộ phận nhân dân. “Bảo hiểm y tế chính là lời giải cho bài toán khó này của ngành y tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Điều này cũng phù hợp với lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân của ngành y tế.   

 Ngày 13/9, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011; Phương hướng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế năm 2012 cho y tế các tỉnh phía Bắc.  Theo đó, giai đoạn 2011 -2016, ngành y tế cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có giảm tải các bệnh viện; đổi mới cơ chế tài chính y tế công lập; thực hiện Luật BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; tăng cường mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường nhân lực y tế; thí điểm khám chữa bệnh theo yêu nhu cầu; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe.