Trong khi các mặt hàng đều tăng giá thậm chí có những mặt hàng tăng nhiều lần nhưng giá viện phí vẫn không thay đổi từ năm 1995 đến nay.
Xem hình
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, thực phẩm… tăng giá liên tục thì vấn đề chi phí đảm bảo cho hoạt động của các bệnh viện càng nóng hơn lúc nào hết.

Viện phí thấp: “... gió vào nhà trống”

Thực tế từ năm 1995 đến nay, những chi phí trong bảo đảm hoạt động của BV đang tăng rất nhiều: Tiền điện từ 640 đồng/KWh tăng lên 1.366 đồng/KWh; tiền nước từ 2.000 đồng/m3 lên 6.270 đồng/m3; tiền xăng từ 4.700 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít… nhưng giá viện phí chưa thay đổi. Trong khi đó, chỉ đơn cử một BV tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện nay thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng/khám, một ngày có khoảng 150 người bệnh khám thu được 300.000 đồng, tiền giường bệnh tối đa 9.000 đồng, nếu có 100 bệnh nhân thu tối đa 900.000 đồng, tổng cộng 1.200.000 đồng, trong khi đó, riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải đã hết khoảng 3-5 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, khung giá viện phí hiện tại đang thể hiện sự bất cập toàn diện trong tất cả các khâu của quá trình khám chữa bệnh, theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ý kiến của nhiều lãnh đạo các bệnh viện đều cho rằng, không thể cứ bắt các cơ sở y tế phải chịu khung giá viện phí cũ, trong khi mọi giá cả của tất cả các yếu tố liên quan đến khám chữa bệnh đều gia tăng và chất lượng khám chữa bệnh cũng đã nâng lên nhiều so với trước kia… Ông Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết, để bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị cũng như hoạt động chống nhiễm khuẩn... mỗi năm Viện Huyết học - Truyền máu TW phải chi hàng chục tỉ đồng. Với mức thu viện phí như hiện nay thì không đủ cho các hoạt động nói trên.  Còn theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám đốc BVTW Huế cho biết: Từ thực tế của quá trình khám chữa bệnh tại BVTW Huế, ông Thăng cho hay, hiện nay, khung giá thu một phần viện phí do Bộ Y tế ban hành từ năm 1995 đã bất cập so với hiện tại, bởi mới chỉ đơn cử việc mổ đẻ tại BV cho thấy nếu theo khung giá viện phí hiện nay thì trung bình một ca mổ đẻ, BVTW Huế chịu lỗ khoảng 500.000 đồng cho các chi phí liên quan đến tiền chỉ, ôxy, máu, dịch truyền, tiền điện đều tăng.

Tại một hội nghị bàn về vấn đề kinh tế y tế, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng - chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo TW, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã cho rằng, chính khung giá viện phí từ năm 1995, hiện nay đã không còn phù hợp nên có BV không hào hứng với dịch vụ có giá quy định thấp hơn giá thành và đã xuất hiện tình trạng “xé rào” viện phí. Theo GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng phân tích, tuy bệnh nhân chỉ phải nộp một phần viện phí, nhưng họ vẫn phải chi khoản đáng kể để mua thuốc đặc trị và vật tư tiêu hao không có trong danh mục, chất lượng phục vụ không cao và ngành y tế không có vốn để phát triển. Trong lúc tự xoay sở giải quyết không bài bản vấn đề thiếu kinh phí sẽ dễ nảy sinh ra tiêu cực…

Chỉ điều chỉnh một phần viện phí

Mục tiêu của việc điều chỉnh giá viện phí nhằm giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Nếu tiếp tục thu giá thấp như hiện nay, Nhà nước phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ kinh phí. Các bệnh viện có thêm kinh phí triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Người bệnh được hưởng các dịch y tế có chất lượng cao hơn. Chính vì thế, dự thảo đề án điều chỉnh viện phí của Bộ Y tế có được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Việc điều chỉnh tăng khoảng 12% tổng số dịch vụ hiện hành (350 dịch vụ thiết yếu) và theo nguyên tắc thu một phần viện phí chỉ tập trung vào những danh mục chưa được điều chỉnh giá tại Thông tư 14 ban hành năm 2005 và Thông tư 03 ban hành năm 2006. Theo tính toán của Bộ Y tế, việc tăng giá 350 dịch vụ vì các giá dịch vụ này được xây dựng từ năm 1995 theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp nên phần lớn các dịch vụ này mới chỉ thu từ 30 - 50% chi phí trực tiếp tính theo thời giá của 16 năm trước. Đến nay, khi tính toán đủ các chi phí trực tiếp, đầu vào như điện, nước, xăng dầu, thuốc, vật tư, hóa chất…, giá đã tăng lên rất nhiều.

Việc điều chỉnh khung giá lần này vẫn theo nguyên tắc thu một phần viện phí. Đó là khung giá chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp và các chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị... Các khoản đã được ngân sách Nhà nước chi thì không tính và thu viện phí, do vậy viện phí chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Có thoát khỏi khó khăn?

Theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí không ảnh hưởng tới nhiều người vì chỉ có 2% dịch vụ tăng giá nhưng phần lớn những dịch vụ này rất thiết yếu khi bệnh nhân vào viện như: tiền khám bệnh, tiền xét nghiệm máu, tiền giường bệnh…việc tăng giá một số dịch vụ thiết yếu sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh viện phí lần này không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, đối tượng chính sách xã hội và người có công với cách mạng; gần 15 triệu người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước mua thẻ BHYT nên khi đi khám - chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% theo quy định của Luật BHYT. Riêng đối với các đối tượng phải đồng chi trả BHYT, Bộ Y tế đang sửa đổi Quỹ 139 (quỹ KCB cho người nghèo theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng huy động các nguồn quỹ khác để hỗ trợ người bệnh khó khăn trong việc cùng chi trả. Dự kiến, sẽ đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh tại các BV. Nguồn quỹ này sẽ dành để hỗ trợ các bệnh nhân BHYT khó khăn trong việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh cũng như các đối tượng là bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Bộ Y tế, không phải thông tư ban hành là giá viện phí đã thu ngay theo mức tăng tối đa. Khung giá có mức tối đa, tối thiểu và tùy theo tình hình kinh tế - xã hội ở từng nơi. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các BV thuộc Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các BV thuộc địa phương trong phạm vi khung giá.