Lao kháng đa thuốc hiện nay đang là tình trạng đáng báo động trên toàn thế giới. Đây là nỗi lo ngại của không chỉ người bệnh mà của cả bác sỹ và hệ thống y tế toàn cầu.
Hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn lao
Hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn lao

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trong 27 nước có tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao. Nếu trước năm 2005, tỷ lệ lao đa kháng thuốc ở nước ta chỉ khoảng 2,3- 2,4% thì đến nay con số này là 2,7%.

Điều đáng lo ngại là chẩn đoán, điều trị lao kháng đa thuốc kéo dài và rất khó, nếu quản lý một người bệnh lao bình thường chỉ 8 tháng thì để quản lý một người bệnh bị lao đa kháng thuốc phải mất 24 tháng và khả năng tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệunàycòn hạn chế vì thuốc mới, chi phí quá cao. Trong khi đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hầu hết các trường hợp lao kháng thuốc đều do không tuân thủ đúng theo quy tắc điều trị, sau khi dùng kháng sinh vài ba tháng, thấy khỏe hơn, người bệnh bèn ngừng uống thuốc, trong khi liều bắt buộc phải uống đủ 8 tháng.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thành phố Hồ Chí Minh, là đơn vị đầu tiên trong cả nước điều trị bệnh lao kháng thuốc. Tính đến cuối năm 2010, Bệnh viện đã thu dung và quản lý điều trị 179 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Kết quả điều trị sơ bộ cho thấy tỷ lệ âm hoá đờm sau 9 tháng điều trị tại Bệnh viện đạt 70% số bệnh nhân.

Từ tháng 11/2010, hoạt động quản lý bệnh lao kháng thuốc ở Việt Nam đã mở rộng thêm tại 5 cơ sở là Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Nội, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương Phúc Yên, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. Theo đó, cùng với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch 5 cơ sở này sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân lao kháng đa thuốc theo phác đồ của WHO.

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội,một trong những cơ sở đảm nhận việc phát hiện, thu dung, quản lý và điều trị bệnh lao kháng đa thuốc, hiện cơ số thuốc được tài trợ có 8 suất, còn rất nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc khác vẫn phải chờ vì chưa có thuốc. Bác sĩ Lưu Thị Liên, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội cho biết: “Vốn dĩ lao kháng thuốc đã khó chữa, với những bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được phát hiện hoặc chưa được điều trị càng đáng lo ngại hơn cho sức khỏe của họ và cho cả cộng đồng”.

Cũng là cơ sở điều trị lao kháng đa thuốc, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bình Định cấp 20 cơ số thuốc điều trị cho 20 bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Khám - Cấp cứu - Chỉ đạo tuyến, phụ trách Chương trình điều trị lao kháng thuốc của Bệnh viện cho biết, ở Bình Định mỗi năm có khoảng 50 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc và con số này tăng hàng năm theo cấp số nhân. Do phần lớn bệnh nhân ở trong độ tuổi lao động nên Bệnh viện chỉ tập trung điều trị nội trú trong một tháng, sau đó bệnh nhân được tiêm và uống thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Điều trị lao kháng đa thuốc là lĩnh vực còn mới mẻ, đòi hỏi kỹ thuật cao và quy trình thực hiện phức tạp. Với nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp nhưng với 6 cơ sở điều trị trên toàn quốc, Chương trình Chống Lao Quốc gia đã triển khai các hoạt động nhằm thu dung và điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc một cách hiệu quả. Năm nay, Chương trình Chống Lao Quốc gia sẽ cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ và tăng cường hoạt động này hơn nữa để công tác điều trị lao kháng đa thuốc ngày càng hiệu quả hơn.