Đây là con số mới nhất vừa được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, báo cáo.

Theo đó, tính đến ngày 29/9/2011, cả nước ghi nhận thêm 2.091 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng tại 61 địa phương, trong đó có 02 trường hợp tử vong tại Kiên Giang và Cà Mau. Các tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh vẫn là những tỉnh có số ca mắc mới duy trì ở mức cao trên 200 ca mỗi tuần.

Tình hình bệnh tay - chân - miệng

Tích luỹ từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.805 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng tại 61 địa phương, trong đó đã có 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh tay - chân - miệng bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20 với 850 ca mắc/tuần, cao nhất là tuần thứ 27 (2.351 ca mắc), hiện tại (tuần thứ 39) vẫn đang duy trì ở mức cao với trên 2.000 ca mắc/tuần.

Các tỉnh phía Nam vẫn có số trường hợp mắc và tử vong do bệnh tay - chân - miệng cao nhất cả nước chiếm 69,1% số mắc và 89,5% số tử vong của cả nước. Các tỉnh/thành phố Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng có số mắc bệnh tay - chân - miệng cao nhất khu vực miền Trung. 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng, số ca bệnh tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.367 trường hợp mắc, 01 tử vong. 26/28 tỉnh/thành phố; 220/300 quận, huyện và 1.544/5.044 xã, phường thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân bệnh mắc tay - chân - miệng, số bệnh nhân đông nhất vẫn tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 2.161 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.

Theo báo cáo của các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đã ghi nhận 1.332 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay - chân - miệng, chiếm 75,3%, trong đó có 757 mẫu dương tính với EV71 (42,8%) và 575 mẫu dương tính với các chủng EV khác (32,5%). 

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh tay - chân - miệng ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp trong những tháng tới là theo quy luật hàng năm, từ tháng 9-11, số ca bệnh tay - chân - miệng sẽ tăng cao; bệnh lây truyền do vi rút đường ruột nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu; bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Trong 12 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay - chân - miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 27 (2.351 ca mắc) nhưng xuất hiện ở nhiều tỉnh/thành phố (tuần thứ 27 có 33 tỉnh/ thành phố nhưng ở tuần thứ 38 lên tới 61 tỉnh/thành phố).

Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ chưa tự thực hiện được các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng, chống bệnh tay - chân - miệng.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở hiện nay hiệu quả chưa cao, chủ yếu tập trung vào công tác vệ sinh môi trường, còn việc vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ chưa chú trọng. Công tác tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Tập trung phòng chống bệnh tay - chân - miệng 

Để giám sát dịch tay - chân - miệng, ngành Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 6 đoàn công tác liên ngành sẽ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng tại 13 tỉnh thành trọng điểm, triển khai kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh dịch tay - chân - miệng trong trường học năm học 2011-2012. Một số hoạt động khác cũng được chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới như: tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, --kiểm tra, xử lý ổ dịch tay - chân - miệng; tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay - chân - miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay - chân - miệng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời, lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng để xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK