Việc triển khai thực hiện Thông tư 07/2011/TT-BYT “Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện” sẽ từng bước cải thiện công tác điều dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh.
Xem hình
Điều dưỡng viên đang chăm sóc cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Công tác điều dưỡng còn bất cập

Chức năng đặc trưng của người điều dưỡng là chủ động trong chăm sóc nhằm đáp ứng các nhu cầu của người bệnh và phối hợp với các cán bộ y tế khác trong đội chăm sóc để bảo đảm người bệnh nhận được dịch vụ chăm sóc với chất lượng cao nhất, an toàn nhất và tiện nghi nhất. Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định, dịch vụ do điều dưỡng viên, hộ sinh viên cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế.

Trong những năm qua, ở Việt Nam, công tác điều dưỡng và vị thế của người điều dưỡng đã có những tiến bộ và thay đổi đáng kể. Hệ thống quản lý điều dưỡng và hệ thống Hội Điều dưỡng từ trung ương đến địa phương đã được hình thành. Nhờ sự củng cố và phát triển của hệ thống đào tạo (35 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ cao đẳng, 14 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ đại học và một số cơ sở đào tạo điều dưỡng sau đại học) nên chất lượng và số lượng điều dưỡng, hộ sinh ngày càng tăng. Nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển ngành điều dưỡng và người điều dưỡng cũng được ban hành như mã ngạch viên chức điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và thang bậc lương theo trình độ đào tạo; phong tặng các danh hiệu nghề nghiệp cao quý cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên; tăng cường biên chế điều dưỡng, hộ sinh…

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, công tác điều dưỡng còn một số bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh/thân nhân người bệnh.

Kết quả khảo sát tại 30 bệnh viện tuyến trung ương (tháng 3/2011) cho thấy, trung bình một điều dưỡng viên phải chăm sóc trực tiếp 6,5 người bệnh vào ban ngày và phải chăm sóc tới 23 người bệnh vào ban đêm. Tỷ lệ chăm sóc người bệnh vào ban ngày cao nhất ở Bệnh viện Mắt Trung ương (13,1 người bệnh/điều dưỡng), Bệnh viện K (10,4 người bệnh/điều dưỡng), Bệnh viện Bạch Mai (8,4 người bệnh/điều dưỡng). Tỷ lệ chăm sóc người bệnh vào ban đêm cao nhất ở BV Mắt Trung ương (85,5 người bệnh/điều dưỡng), Bệnh viện Nội tiết Trung ương (77 người bệnh/điều dưỡng), Bệnh viện Châm cứu Trung ương (70 người bệnh/điều dưỡng), Bệnh viện K (54 người bệnh/điều dưỡng)… Do thiếu nhân lực nên ở một số nơi, những công việc chăm sóc cơ bản (vệ sinh cá nhân, hỗ trợ ăn uống và vận động đi lại) và thậm chí là cả những nhiệm vụ chuyên môn (thay chai truyền dịch, bóp bóng oxy, cho người bệnh ăn qua ống thông), điều dưỡng đang giao cho thân nhân người bệnh. Đồng thời, vẫn còn sự than phiền của một số người bệnh/thân nhân người bệnh về giao tiếp ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế, trong đó có điều dưỡng, hộ sinh.

Mặt khác, tỷ lệ điều dưỡng có trình độ cao đẳng, đại học hiện chiếm khoảng 15% tổng số điều dưỡng nhưng phân bổ không đồng đều (có bệnh viện đạt từ 30% - 40% nhưng có bệnh viện chỉ đạt từ 5 – 7%). Điều này dẫn đến tình trạng, điều dưỡng dù có trình độ đào tạo khác nhau nhưng lại làm chung những công việc thực hành như nhau…  

Người bệnh sẽ được chăm sóc toàn diện

Thông tư số 07/2011/TT-BYT “Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện” đã được ban hành ngày 26/1/2011. Thông tư khẳng định nguyên tắc: người bệnh là trung tâm của công tác chăm sóc nên phải được chăm sóc toàn diện, liên tục, bảo đảm hài lòng, chất lượng và an toàn; chăm sóc, theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của bệnh viện, các hoạt động chăm sóc điều dưỡng, theo dõi do điều dưỡng viên, hộ sinh viên thực hiện và chịu trách nhiệm; can thiệp điều dưỡng phải dựa trên cơ sở các yêu cầu chuyên môn và sự đánh giá nhu cầu của mỗi người bệnh để chăm sóc phục vụ. Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh (tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe; chăm sóc về tinh thần; chăm sóc thể chất; chăm sóc y tế; bảo đảm an toàn; ghi chép hồ sơ), về điều kiện (hệ thống tổ chức quản lý chăm sóc; nhân lực chăm sóc người bệnh; tổ chức làm việc; trang thiết bị phục vụ chăm sóc người bệnh; nguồn tài chính cho công tác chăm sóc; đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục), về trách nhiệm của các cá nhân có liên quan (giám đốc bệnh viện; trưởng phòng chức năng; trưởng khoa; bác sỹ điều trị; điều dưỡng viên, hộ sinh viên; giáo viên, học sinh, sinh viên thực tập; người bệnh và người nhà người bệnh) để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc điều dưỡng bệnh viện.

Các nhà chuyên môn cho rằng, Thông tư này được triển khai thực hiện tại các bệnh viện sẽ từng bước cải thiện công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh và các sở y tế, các bệnh viện đã và đang tích cực cùng nhau trao đổi, tiếp thu đầy đủ những nội dung quan trọng của Thông tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm bước đầu trong tổ chức thực hiện Thông tư.

ThS. Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh cho biết, để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, các bệnh viện cần khẩn trương triển khai thực hiện Thông tư 07, gồm thành lập Ban Chỉ đạo/phân công người chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai; phổ biến, tuyên truyền và học tập nội dung Thông tư; xây dựng kế hoạch triển khai; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát... Đồng thời, các bệnh viện tăng cường nhân lực điều dưỡng, hộ sinh về số lượng, trình độ, cơ cấu hợp lý, sử dụng theo văn bằng, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc người bệnh, giảm dần người nhà chăm sóc người bệnh tại bệnh viện; cải tiến mô hình/phương thức chăm sóc người bệnh; tăng cường phương tiện chăm sóc phục vụ người bệnh và văn hóa nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh.