Tính đến hết ngày 22/08/2011, toàn tỉnh Hòa Bình có 381 trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh tay - chân - miệng (TCM), trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Mai Châu, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình.
Xem hình
Đoàn giám sát bệnh đến tận nhà các bệnh nhi bị bệnh tay - chân - miệng tại huyện Tân Lạc

Trước tình trạng bệnh gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình đã thành lập đoàn giám sát để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các ban ngành trong toàn tỉnh tập trung tăng cường giám sát các cơ sở để phát hiện sớm các ca bệnh, hướng dẫn cách ly điều trị và vệ sinh cá nhân, cấp chloramin B để vệ sinh môi trường trong nhà cũng như tại các nhà trẻ, phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng ở trẻ cần đưa ngay đến bệnh viện điều trị. Bên cạnh đó, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền tại các trường học được đẩy mạnh.

Bác sĩ Trần Thị Ái Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho biết: “Bệnh TCM do vi rút gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng vẫn là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Cụ thể, các bà mẹ cần rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, sau khi cho trẻ đi vệ sinh, thường xuyên rửa sạch đồ chơi cho trẻ... Cách phòng ngừa này không chỉ phòng chống được bệnh TCM mà còn phòng chống được nhiều bệnh truyền nhiễm khác”.

Hiện nay trên toàn tỉnh Hòa Bình đã có các bệnh nhân dương tính với  Enterovirus 71 và virus đường ruột tại các huyện Mai Châu, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình và mới đây là huyện Kỳ Sơn và huyện Kim Bôi. Đoàn giám sát đã đến các hộ gia đình có trẻ bị bệnh để kiểm tra thực trạng bệnh và sự hiểu biết của người dân về bệnh TCM. Chị Vì Thị Hương (mẹ cháu Đào Đức S. – bệnh nhi TCM) ở tổ 10, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình cho biêt: “Cả hai cháu nhà tôi đều bị bệnh TCM. Tôi đã được các nhân viên y tế của phường hướng dẫn cách vệ sinh trong nhà, môi trường xung quanh và vệ sinh cho các cháu để bệnh không nặng thêm. Các cán bộ của Trạm y tế còn hướng dẫn tôi cách chăm sóc và cách ly các cháu không để lây bệnh cho các trẻ hàng xóm xung quanh”.

Đoàn giám sát cũng tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống, tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân TCM tại bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố. Nội dung giám sát gồm: kiến thức nhận biết và phát hiện bệnh; phác đồ điều trị tại bệnh viện; các danh mục và nguồn thuốc cấp cứu, điều trị; thành lập khu cách ly; công tác báo cáo dịch.

Qua đi thực tế tại cơ sở, đoàn giám sát đã thấy rõ một số khó khăn trong công tác phòng và điều trị bệnh TCM, trong đó khó khăn lớn nhất là việc cách ly giữa các bé bị bệnh và các bé khác trong cộng đồng, bên cạnh đó là hiểu biết của người dân về bệnh và các kiến thức phát hiện bệnh còn nhiều hạn chế nên dễ nhầm lẫn với một số bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, bệnh ngoài da. Ngoài ra, đây là bệnh xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, sức đề kháng còn yếu và ý thức giữ vệ sinh không cao nên rất dễ mắc bệnh và lan nhanh. Chỉ tính riêng trong tháng 7 và đầu tháng 8 đã có hơn 100 bệnh nhân mắc mới, mặc dù vẫn chưa phải thời điểm dịch bùng phát mạnh.

Trước thềm năm học mới, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan, phòng ngừa khả năng dịch bệnh bùng phát khi học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng việc phòng chống bệnh TCM, đặc biệt là phổ biến cho các nhà trẻ, trường mầm non, nếu có trẻ nào bị nhiễm thì ngay lập tức phải thực hiện các biện pháp cách ly tại hộ gia đình để chăm sóc và theo dõi diễn của bệnh. Các trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố, phối hợp với ngành Giáo dục làm tốt công tác vệ sinh môi trường ở các nhà trẻ, mẫu giáo để hạn chế lây lan và phát triển dịch bệnh tại địa phương.