Bệnh lao lây truyền qua không khí, có thể phòng ngừa và chữa trị được. Người bệnh mang vi khuẩn lao trong phổi nên khi ho có thể lây bệnh cho người khác. Bệnh lao là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới ở người trưởng thành, ước tính có 1,5 triệu ca tử vong do lao trên toàn thế giới mỗi năm. Ngoài ra, còn có khoảng 200 ngàn người nhiễm HIV chết vì bệnh lao. Ở Việt Nam, mỗi năm có gần 20 ngàn người chết vì bệnh lao (cứ 26 phút lại có một người tử vong).
Xem hình

Với ước tính khoảng 150 ngàn ca nhiễm mới mỗi năm (tương đương 173 ca/100.000 dân), Việt Nam xếp thứ 12 trong số 22 nước đã gây ra 80% gánh nặng bệnh lao toàn cầu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đầy đủ, bệnh nhân bệnh lao sẽ không làm lây nhiễm cho người khác và khỏi bệnh.

Bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao siêu kháng thuốc, đồng nhiễm bệnh lao-HIV là những thách thức lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có khoảng 6400 ca bệnh lao kháng đa thuốc và 7400 ca đồng nhiễm lao-HIV mới mắc. Cả hai dạng bệnh lao này đều có nguy cơ gây tử vong sớm. Bệnh lao là bệnh gây tử vong hàng đầu đối với những người có HIV. Những người có HIV bị nhiễm lao có nguy cơ khởi phát bệnh lao cao gấp 50 lần so với những người không có HIV.

Nhận thức được ảnh hưởng của bệnh lao đối với nghèo đói và quá trình phát triển, Chính phủ đã đưa công tác phòng chống lao vào các biện pháp can thiệp nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển và Giảm nghèo. Từ khi Chính phủ tuyên bố phòng chống bệnh lao là công tác ưu tiên của quốc gia năm 1995, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phòng chống Lao Việt Nam đã mở rộng chiến lược điều trị có giám sát trực tiếp đến tất cả các huyện xã, đạt mức độ bao phủ 100% dân số năm 1998.

Số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị cao hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu mà WHO đặt ra. Tuy nhiên, mặc dù công tác này được thực hiện xuất sắc, số ca nhiễm mới/100.000 dân vẫn không giảm đáng kể. Một cuộc hội thảo về dịch tễ học bệnh lao diễn ra tại Hà Nội do WHO tổ chức đã xác định nguyên nhân của vấn đề là do mức độ vượt trội của các ca đồng nhiễm lao-HIV ở những người trẻ tuổi. Tìm ra nguyên nhân sẽ có thể giúp ổn định xu hướng phát hiện các ca bệnh và đề xuất một cuộc điều tra triệt để về tình hình lây lan bệnh lao. Một cuộc khảo sát rộng rãi cũng đã cho thấy gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam có thể cao gấp 1,5 lần so với ước tính trước đây. Vấn đề đặt ra bài toán khó, cần có sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế và toàn xã hội để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh lao và chết do lao.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc là đến năm 2015, ngăn chặn và bắt đầu giảm tỉ lệ mắc lao mới.

Tác giả: Trung tâm TT - GDSK