Đây là chủ đề của “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2011 trên phạm vi cả nước.
Xem hình
Ảnh minh họa

Mục tiêu của Tháng hành động nhằm huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý tham gia vào việc phổ biến tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, Ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp; cung cấp các kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Trong Tháng hành động này, các cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, vai trò giám sát của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng được nâng cao.

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” còn là điểm nhấn trong năm, tạo lên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trung ương, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương sẽ triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ 01/4 đến 15/5/2011; tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” từ 9/4 đến 15/4/2011; thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ 15/4 đến 15/5/2011.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự cố gắng của ngành Y tế, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được thành tích bước đầu rất quan trọng. Cụ thể, đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ trung ương đến địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và đẩy mạnh giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giúp các doanh nghiệp đi dần vào khuôn khổ của pháp luật; công tác tuyên truyền giáo dục được đẩy mạnh, giúp xã hội, cộng đồng quan tâm đến vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng (nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm).

Đặc biệt, ngày 17 tháng 6 năm 2010, Luật An toàn Thực phẩm đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII kỳ họp thứ 7 thông qua, để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh An toàn Thực phẩm hiện không còn phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Luật An toàn Thực phẩm đã phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm với vai trò nhạc trưởng là Bộ Y tế, cùng 2 Bộ khác là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nguyên tắc quản lý xuyên suốt “từ trang trại đến bàn ăn”; các chế tài được nâng cao đủ mạnh để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm đã siết chặt và hội nhập hơn trong hoạt động cấp phép kinh doanh thực phẩm gắn với quản lý điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng Luật Chất lượng hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng; đề cao được vai trò quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Luật An toàn Thực phẩm được ban hành đã tạo bước ngoặt mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao được tính pháp lý, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng được sự hội nhập quốc tế trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

 

Tác giả: Phạm Duy