Đây là mục tiêu được đưa ra trong Hội thảo “Già hóa dân số và định hướng xây dựng chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020” vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,4% dân số. Theo đánh giá các chuyên gia dân số, nước ta đang ở cuối của thời kỳ “quá độ dân số” với 3 đặc trưng rõ rệt, đó là tỷ suất sinh giảm, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng. Tổng cục Thống kê dự báo: vào năm 2017 tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số, tức là dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”. Về điều này ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục dân số và KHHGĐ, Bộ Y tế cũng cho biết, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, chỉ số già hóa tăng mạnh. Do đó, thời gian chuyển từ giai đoạn “Già hóa dân số” sang “Dân số già” của Việt Nam sẽ từ 17-20 năm, tốc độ này nhanh hơn nhiều quốc gia có trình độ phát triển trên thế giới.

 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đến nay đã có 93% người cao tuổi được khám, chữa bệnh; người cao tuổi nghèo từ 80 tuổi trở lên đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; khoảng 609.000 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp, khám chữa bệnh miễn phí; gần 7.000 xã, phường có quỹ chăm sóc người cao tuổi…

Hiện tượng già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống. Trong lĩnh vực kinh tế, già hóa dân số sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ. Trong lĩnh vực xã hội, già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư… Do đó, chúng ta cần có sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, nguồn lực cũng như chính sách, cơ chế. Có như vậy, thì mới tránh khỏi sự lúng túng trong giai đoạn này nếu không có những giải pháp thích ứng kịp thời. Đặc biệt, cần phát huy vai trò và lợi thế của người cao tuổi để họ tiếp tục có những đóng góp với đất nước trong điều kiện phù hợp với khả năng, sức khỏe của mình.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK