Năm 2011 là năm tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong cả nước diễn biến hết sức phức tạp với số lượng người mắc bệnh tăng, nhiều trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Xem hình
Cán bộ Trung tâm y tế Hoa Lư xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Riêng tại Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh như: tiêu chảy, thủy đậu, sởi và nghi sởi, cúm, tay - chân - miệng... có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, bệnh tay - chân - miệng là dịch bệnh dễ lây lan, thường tập trung ở đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện với số lượng bệnh nhân đông, có ở hầu khắp các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đến tháng 7-2011, toàn tỉnh đã có 232 trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc tay - chân - miệng chủ yếu thuộc chủng lành tính nên chỉ cần thực hiện vệ sinh thân thể sạch sẽ, điều trị tại gia đình và tại cơ sở y tế từ 3 - 5 ngày là bệnh nhân có thể ra viện. Cả tỉnh có duy nhất 1 trường hợp mắc tay - chân - miệng thuộc thể E71 (là thể hay gặp ở các tỉnh miền Nam). Trường hợp này sau vài ngày điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi cũng đã khỏi bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhi mắc bệnh ở thể E71, đội y tế dự phòng ở địa phương đó đã tiến hành giám sát khu vực dân cư xung quanh nhà của cháu bé để theo dõi, phát hiện các trường hợp khác mắc bệnh (nếu có), hướng dẫn gia đình xử lý môi trường, nhà vệ sinh, lau sàn nhà bằng hóa chất Cloramin B...Tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn đều triển khai thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, xây dựng hệ thống báo dịch tại 146 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo mùa, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, có sự phân công trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn từng xã, thị trấn, thôn, xóm, phố.

Nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh được các đơn vị chuẩn bị chu đáo về người, trang thiết bị, cơ số thuốc... sẵn sàng tập trung bao vây, xử lý, khống chế, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh duy trì thường xuyên hoạt động giao ban hàng tháng giữa Trung tâm với đội trưởng đội Y tế dự phòng các huyện, thành phố, thị xã để triển khai công tác phòng, chống dịch, tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho tuyến dưới... Do đó, hoạt động phòng, chống dịch được thực hiện và duy trì thường xuyên, bất kỳ một dịch bệnh nào, nhất là dịch nguy hiểm như: liên cầu khuẩn lợn... được phát hiện và xử lý kịp thời, không để có thêm bệnh nhân mới.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hoạt động ngày vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh được duy trì hàng tháng, ngành Y tế đều cử cán bộ xuống địa bàn dân cư giám sát, đôn đốc người dân tích cực tham gia làm vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, tại các ngõ, xóm, phố, vận động người dân quan tâm đầu tư xây dựng các công trình bể nước, nhà xí, nhà tắm đảm bảo hợp vệ sinh.

Theo bác sỹ Trương Đình Hiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tay - chân - miệng là bệnh dễ lây lan, lại là thời điểm học sinh bước vào năm học mới nên ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các nhà trường, gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con em. Hướng dẫn các trường học thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm tốt việc giám sát, phát hiện dịch, không để bệnh lây lan sang các trẻ khác. Cùng với bệnh tay - chân - miệng, năm nay ảnh hưởng bởi thời tiết mưa, nắng là thất thường là điều kiện thuận lợi dẫn đến một số dịch bệnh phát sinh như: bệnh thủy đậu 305 trường hợp, tăng 235 ca so với năm 2010, bệnh sởi và nghi sởi có 912 ca, tăng 897 ca, cúm mùa 13.756 ca, tăng 4.177 ca. Riêng bệnh tay - chân - miệng, cùng kỳ năm trước không xảy ra trường hợp nào.

Để phòng, chống dịch bệnh, cùng với nỗ lực của ngành Y tế, ý thức phòng, chống bệnh của người dân là hết sức quan trọng. Trong đó, cần chú ý thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh, có ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe không chỉ cho bản thân, gia đình mình mà cho cả cộng đồng.