Trước đây, những phụ nữ nhiễm HIV thường được khuyên không nên sinh con vì sợ đứa trẻ sinh ra có thể bị nhiễm HIV vì lây truyền từ mẹ. Nhưng hiện nay nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng lây truyền, nhiều bà mẹ nhiễm HIV đã có cơ hội sinh con khoẻ mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Đó thực sự là tin vui cho những phụ nữ có HIV.
Xem hình
Cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV cho chị em phụ nữ

Mong muốn được sinh con, được làm mẹ là ước mơ chính đáng của tất cả những người phụ nữ. Đối với những phụ nữ không may mang trong mình virus HIV thì đó là một khát khao. Trước đây, những phụ nữ nhiễm HIV thường được khuyên không nên sinh con vì sợ đứa trẻ sinh ra có thể bị nhiễm HIV vì lây truyền từ mẹ. Nhưng hiện nay nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng lây truyền, nhiều bà mẹ nhiễm HIV đã có cơ hội sinh con khoẻ mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Đó thực sự là tin vui cho những phụ nữ có HIV.

Những năm gần đây, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số phụ nữ nhiễm HIV tăng rõ rệt, kéo theo đó là số trẻ bị nhiễm HIV cũng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến tháng 6-2011, toàn tỉnh phát hiện 2.576 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 471 phụ nữ và có 62 trẻ lây nhiễm HIV qua đường mẹ con, 15 trẻ đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ -Trưởng khoa chăm sóc sức khoẻ bà mẹ -KHHGĐ tỉnh cho biết: “Người mẹ bị nhiễm HIV có thể lây sang con trong quá trình mang thai từ tuần thứ 8 của thai kỳ, trong thời kỳ chuyển dạ và cho con bú. Nguy cơ sẽ còn tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai bị xây xước, sang chấn... thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40% nếu không áp dụng biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và được tư vấn, điều trị thích hợp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 5%”

Nói về tầm quan trọng của công tác kiểm soát HIV đối với các bà mẹ mang thai, bác sĩ Trần Thị Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh khẳng định: "Chỉ có xét nghiệm thai phụ, sản phụ mới biết mình có nhiễm HIV hay không. Khi đó, các bà mẹ có HIV sẽ được tư vấn, xét nghiệm miễn phí; Được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV; Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV sẽ được cung cấp sữa thay thế sữa mẹ đến 6 tháng tuổi; những phụ nữ và trẻ bị nhiễm HIV sẽ được giới thiệu chuyển tiếp tới những dịch vụ phù hợp về dự phòng chăm sóc, điều trị, hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS. Các bà mẹ mang thai nên đi xét nghiệm để xác định mình có bị nhiễm HIV hay không, đừng để đến lúc chuyển dạ, vì khi ấy các cơ sở y tế rất khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV và dù có, hiệu quả cũng không cao. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn chuyển dạ rất cao, chiếm khoảng 20%".  

Như vậy, nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm sẽ giảm đáng kể tỷ lệ những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, bớt đi nỗi đau của những gia đình có người nhiễm HIV. Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp chính giảm tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang và điều trị dự phòng càng sớm sẽ mang lại hiệu quả càng cao. Ở tỉnh ta, chương trình phòng lây truyền mẹ con do Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ được triển khai tại tại huyện Kim Sơn, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình từ tháng 4-2010. Với mục tiêu cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV; nâng cao năng lực của mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS, giảm tỷ lệ nhiễm HIV cho cả nam và nữ; giảm tỷ lệ trẻsinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Dự án đã mở 2 phòng khám ngoại trú tại huyện Kim Sơn và tại trung tâm PC HIV/AIDS để cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; chồng, bạn tình và thành viên gia đình của các nhóm phụ nữ nhiễm HIV… Ngoài ra,Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và bệnh viện Sản Nhi tỉnh là nơi cung cấp miễn phí thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cho đến thời điểm này đã có gần 1 nghìn lượt khách hàng được tư vấn, cấp thuốc điều trị ARV được trên 400 người.

Hằng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh đã triển khai Tháng cao điểm chiến dịch Dự phòng lây truyền mẹ con nhằm huy động các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia hoạt động dự phòng với mục tiêu giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tiến tới loại trừ tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Bên cạnh đó, trung tâm đã phối hợp với các bệnh viện mở các lớp tập huấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép truyền thông tại cộng đồng thông qua các nhóm đồng đẳng và các CLB phòng, chống HIV/AIDS; hướng dẫn phụ nữ mang thai có nguy cơ cao được xét nghiệm tự nguyện, cung cấp đủ sữa trong 6 tháng đầu để thay thế sữa mẹ cho những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…, qua đó góp phần hạn chế và giảm thiểu lây truyền HIV theo đường từ mẹ sang con. Tuy nhiên, công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhất là ở vùng nông thôn, chị em chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nhiều chị em có HIV nhưng chưa biết, hoặc đã biết nhưng không muốn điều trị dự phòng. Cũng có những trường hợp được xác định có HIV, nhưng không quay lại điều trị dự phòng vì mặc cảm, sợ bị kỳ thị, xa lánh phân biệt đối xử. Do đó, số sản phụ nhiễm HIV sau khi sinh được chuyển tiếp dịch vụ chăm sóc, điều trị ARV còn hạn chế. Trong số phụ nữ và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhiều người đã không đươc tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện chỉ có 7đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đã được điều trị dự phòng.

Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ  vì vậy cần có sự tham gia, cảm thông, chia sẻ của cả cộng đồng để mang lại quyền được sống cho các em nhỏ vô tội./.

 

 

Tác giả: Thu Trang