Xã Thanh Lạc (Nho Quan) luôn quan tâm đến công tác y tế dự phòng, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trong mùa mưa lũ.
Xem hình
Trạm y tế xã Thanh Lạc (Nho Quan) được xây dựng khang trang.

Được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã năm 2010, Trạm y tế xã Thanh Lạc có nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Đồng chí  Đinh Thị Lụa, Trạm trưởng Trạm y tế xã cho biết: Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, đồng thời thực hiện kế hoạch phòng, chống bão lụt của địa phương, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Phòng y tế Nho Quan nên ngay từ đầu tháng 4 hàng năm, Trạm y tế xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai lũ lụt, phòng, chống dịch bệnh theo mùa chi tiết, bám sát đặc điểm, tình hình của địa phương. Trạm Y tế xã đã tích cực tham mưu với UBND xã xây dựng các kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo mùa, dịch tiêu chảy cấp, dịch sốt xuất huyết, phòng, chống thiên tai, bão lũ... Hàng tuần, hàng tháng Trạm cử cán bộ xuống thôn, xóm giám sát dịch bệnh. Hằng quý, Ban y tế xã đã họp, phân công trách nhiệm cho từng ngành để làm tốt công tác xã hội hoá về y tế và công tác phòng dịch.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được Trạm chú trọng. Cán bộ y tế của Trạm và cộng tác viên y tế ở các thôn, đội được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Trạm thường xuyên thực hiện công tác này bằng nhiều hình thức phong phú như: truyền thông nhóm tại cộng đồng, phát trên hệ thống loa truyền thanh 3 cấp, cấp phát tờ rơi, tờ bướm, áp phích, qua hội nghị lồng ghép của các hội, đoàn thể, truyền thông trực tiếp tới người dân khi đến Trạm khám, chữa bệnh, được tiến hành lồng ghép với các cuộc họp của đoàn thể và cùng bà con đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh …, do vậy, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe được nâng lên.

Bên cạnh đó, trước mỗi mùa mưa lũ, đội ngũ cán bộ của Trạm gồm 5 người cộng với 9 cán bộ y tế thôn, bản chia nhau xuống các địa bàn phụ trách cụm dân cư, hướng dẫn người dân công tác chuẩn bị đối phó với mưa lũ như: chuẩn bị thực phẩm, nguồn nước sạch, túi nilon bịt miệng giếng nước, phương án sơ tán người và tài sản, thu xếp nhà cửa, chuồng trại gia súc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi… Sau mưa lũ, việc hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp giải quyết kịp thời, công tác xử lý nguồn nước bị ô nhiễm… Trên cơ sở cơ số thuốc được chuẩn bị đầy đủ, các gia đình đều được cấp phát hoá chất xử lý nước, hướng dẫn và cấp thuốc chữa một số bệnh hay gặp khi mưa lũ như: nước ăn chân, đau mắt hột, tiêu hoá…

Vì vậy, đã nhiều năm nay không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn xã, sức khỏe của nhân dân được đảm bảo, cuộc sống ổn định nên người dân chúng tôi yên tâm.