Tại Ninh Bình, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 3.000 người mắc bệnh, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng đô thị là nơi người dân có mức sống cao

Hiện nay bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng gia tăng. Đây là bệnh phổ biến có nhiều người mắc và dễ gây ra những biến chứng nặng nề với tỷ lệ tàn phế cao như: Suy thận, mù loà, đột quị, mạch vành, cụt chi, các bệnh lí thần kinh… Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những hậu quả trên là nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, người bệnh đến bệnh viện khi đã có biến chứng. Vì vậy việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành của người dân đối với bệnh ĐTĐ là hết sức quan trọng. Trong thời gian qua  ngành Y tế đã tập trung triển khai và bước đầu  mang lại hiệu quả tích cực.

Ở nước ta theo điều tra có khoảng 4% dân số mắc bệnh ĐTĐ, phần lớn trong số họ không được phát hiện kịp thời. Tại Ninh Bình, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 3.000 người mắc bệnh, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng đô thị là nơi người dân có mức sống cao, tình trạng dinh dưỡng đựơc cải thiện, nhưng nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, còn nhiều thói quen tập tục trong ăn uống không có lợi cho sức khoẻ dẫn tới tỷ lệ béo phì mắc các bệnh chuyển hoá, bệnh ĐTĐ tăng cao.

Trước thực trạng trên, ngành Y tế xác định công tác phòng chống ĐTĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cùng sự quan tâm đầu tư của chương trình phòng chống ĐTĐ, của các tổ chức quốc tế. Ngành Y tế Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ tập trung chủ yếu tại địa bàn Thành phố Ninh Bình. Để dự án triển khai có hiệu quả, Trung tâm Y tế và phòng Y tế Thành phố, thị xã đã kịp thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường rà soát những người dân trong diện có nguy cơ mắc ĐTĐ để lập danh sách thực hiện khám sàng lọc. Cùng với đó, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, cụ thể và thiết thực. Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Đài truyền thanh Thành phố xây dựng các tin, bài, phóng sự tổ chức tuyên truyền liên tục trên đài truyền thanh các xã/phường các nội dung tuyên truyền về bệnh ĐTĐ. Song song với các hoạt động đó trung tâm cũng đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế Thành phố, Hội người bệnh ĐTĐ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Y tế và cán bộ các ban ngành đoàn thể có liên quan về các yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm chẩn đoán và chăm sóc điều trị bệnh ĐTĐ. Những học viên này sẽ là lực lượng nòng cốt, những tuyên truyền viên tích cực trong việc tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền tại cộng đồng, cung cấp thông tin về bệnh ĐTĐ cho người dân giúp họ nâng cao nhận thức phòng chống bệnh tật, thực hiện nếp sống sinh hoạt lành mạnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Sở Y tế Ninh Bình và Chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ, hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ đã được triển khai sâu rộng ở tất cả các xã/ phường, các cụm dân cư trong toàn thành phố. Theo đó, tại các phường xã thực hiện treo băng rôn tại các trục đường giao thông chính và các khu vực đông dân cư, tuyên truyền phổ biến trên đài truyền thanh địa phương, các trạm y tế đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với hàng ngàn lượt người tham gia, cán bộ y tế và các cộng tác viên đã tới các hộ gia đình tuyên truyền về bệnh, vận động hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp ăn uống, sinh hoạt và tập luyện đúng cách để phòng bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh là đơn vị chuyên môn đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tiến hành công tác khám sàng lọc cho hơn 10.000 đối tượng, phát hiện trên 100 người bị mắc ĐTĐ và tiền ĐTĐ. Tiến hành lập sổ quản lí theo dõi, điều trị và tư vấn cho những người bị ĐTĐ và tiền ĐTĐ thực hiện các biện pháp phòng tránh không để bệnh tiến triển; bên cạnh đó hướng dẫn người bệnh ĐTĐ thực hiện tuân thủ phác đồ điều trị và phòng biến chứng của bệnh.

Với những hoạt động đã triển khai, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh ĐTĐ trên địa bàn tỉnh nói chung và nhất là tại thành phố Ninh Bình bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Nhận thức của người dân đã được nâng lên, họ đã quan tâm nhiều hơn tới việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, biết cách chăm sóc và điều trị cho người mắc bệnh ngay tại cộng đồng. Đây chính là những tiền đề quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình.

 

 

Tác giả: Kim Liên