Đảm nhiệm việc tiếp nhận và tham gia cấp cứu các trường hợp bệnh nhân nặng, những thầy thuốc ở lĩnh vực hồi sức - cấp cứu thuộc các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có lẽ là những người bận rộn và vất vả nhất.
Xem hình

Đảm nhiệm công việc ở khoa cấp cứu chưa lâu, nhưng bác sỹ Đinh Thị Bích Lệ, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức-Chống độc (Trung tâm Y tế Nho Quan) đã giúp cứu chữa nhiều bệnh nhân thoát khỏi tình trạng “thập tử nhất sinh” trở lại cuộc sống bình thường. Bác sỹ Lệ chia sẻ: Bệnh nhân khi đến với khoa Cấp cứu đều là những bệnh nhân nặng. Trong tình huống như vậy, người bác sỹ chỉ có 3-4 phút để chẩn đoán và hành động để cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn hiểm nghèo.
Lần cấp cứu một bệnh nhân mới 18 tuổi bị ngộ độc do thuốc là trường hợp chị Lệ nhớ mãi. Khi gia đình đưa đến, bệnh nhân đã trong tình trạng ngừng hô hấp. Chị Lệ cùng kíp trực đã triển khai các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn, cho bệnh nhân thở máy rồi tiếp tục rửa dạ dày, truyền dịch cho bệnh nhân. Qua khỏi cơn nguy kịch nhưng phải đến 4-5 ngày sau, bệnh nhân mới tỉnh. Việc chẩn đoán và cấp cứu kịp thời của bác sỹ Lệ không chỉ cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy hiểm đến tính mạng mà còn không để lại di chứng gì. Nhiều bệnh nhân đến nay vẫn có mối liên hệ với bác sỹ Lệ, đó chính là những người được chị cứu chữa kịp thời và luôn nhớ về nữ bác sỹ với thái độ trân trọng, biết ơn như một ân nhân của gia đình. Được biết, 16 năm công tác tại Trung tâm Y tế Nho Quan, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác tại các khoa khám bệnh, nội, nhi, phụ trách chương trình phòng, chống lao, bệnh phong, da liễu ở cơ sở rồi đến nay là khoa cấp cứu, ở cương vị công tác nào, chị Lệ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mặc dù khá bận rộn vì khoa còn thiếu bác sỹ nhưng chị Lệ vẫn bố trí thời gian để hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I tại Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành hồi sức cấp cứu, đáp ứng tốt yêu cầu công tác. 
So với thâm niên công tác của nhiều đồng nghiệp thì quãng thời gian 5 năm công tác trong ngành của bác sỹ trẻ Phạm Ngọc Quyên, Khoa Gây mê- Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) quả là khiêm tốn. Nhưng đối với chàng bác sỹ trẻ, đó là khoảng thời gian để anh trau dồi, học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ từ các đồng nghiệp đi trước. Nhớ lại buổi đầu mới về công tác, cả Khoa chỉ có 2 bác sỹ, có những buổi trực, anh phải tham gia mổ cấp cứu cả đêm, đến sáng lại có đông bệnh nhân nhập viện nên bác sỹ có khi nhịn luôn bữa sáng. Giờ thì Khoa đã được bổ sung thêm bác sỹ, anh em thay nhau trực nên cường độ làm việc giảm đi phần nào.
Tìm gặp bác sỹ Quyên khi anh đang trong ca trực, nghe các bác sỹ trao đổi với nhau về các trường hợp bệnh nhân đang cấp cứu tại Khoa, chúng tôi đã có cảm giác ớn lạnh vì... sợ. Nào là: chém nhau, tai nạn giao thông đa chấn thương, đứt động mạch treo ruột... Rồi cả trường hợp cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân bị "ết", máu bắn khắp người bác sỹ, nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Vậy nhưng, với trách nhiệm của mình, các bác sỹ gây mê - hồi sức đã góp phần đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Nhớ về các trường hợp bệnh nhân nặng mà mình đã tham gia cấp cứu, bác sỹ Quyên vẫn không quên một trường hợp bệnh nhân ở Nho Quan được cứu sống cách đây 3 tháng mà cho đến nay, khi nghĩ lại, các bác sỹ vẫn coi đây là một "kỳ tích". Bởi vì, trước khi nhập viện, bệnh nhân này đã được cấp cứu ở tuyến huyện nhưng qua kiểm tra đã không còn nhịp thở vì bị đứt động mạch treo ruột, nhiều trường hợp như vậy, sự sống xem như không còn. Nhưng với hy vọng "còn nước còn tát", các bác sỹ trực ca đó quyết định mổ nhanh để cứu tính mạng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân lại tiếp tục được thở máy 2 tháng liền mà không gặp thêm tai biến nào.
Thành công của ca mổ đã khiến các bác sỹ có thêm hy vọng và niềm tin vào tay nghề của mình trước các trường hợp bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của bác sỹ đảm nhận nhiệm vụ gây mê - hồi sức. 5 năm tham gia các ca phẫu thuật cùng các bác sỹ ở các khoa: Ngoại, Chấn thương, Răng-Hàm-Mặt, Tai-Mũi- Họng, bác sỹ Quyên thêm hiểu những khó khăn, đau đớn của bệnh nhân nặng phải lên bàn mổ. Anh đã tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài hoạt động chuyên môn, bác sỹ Quyên còn là một cán bộ Đoàn năng động. Anh đã cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện tổ chức thành công nhiều hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, tiến hành khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí ở nhiều địa phương khó khăn trong tỉnh.