Trong những năm qua, Ngành Y tế Ninh Bình đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh những thuận lợi, các bệnh viện luôn gặp không ít khó khăn do tình trạng quá tải. Nhằm góp phần giảm bớt tình trạng này, ngành Y tế đã tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816)
Xem hình

          Sau 3 năm thực hiện Đề án 1816, ngành y tế tỉnh nhà đã tận dụng sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên, phát huy hiệu quả nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ; nâng cao vị thế uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương; giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến dưới phát triển chuyên khoa sâu. Các bệnh viện đã xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người bệnh. Với sự giúp đỡ của các BV: Bạch Mai, Việt Đức, Phụ Sản trung ương, Nhi Trung ương, Bv Mắt trung ương ... nhiều kỹ thuật mới đã phát huy tác dụng như:  kỹ thuật phẫu thuật niệu nhi; kỹ thuật gây mê hồi sức nhi; bệnh lý ống phúc tinh mạc; sử dụng surfactant điều trị bệnh màng trong sơ sinh; kỹ thuật mổ cắt đốt u xơ tiền liệt tuyến...

          Tại BVĐK tỉnh, đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện tuyến TƯ đã thực hiện hỗ trợ nhiều chuyên ngành theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" như: Ngoại, chấn thương, lọc máu, thần kinh, hồi sức cấp cứu, nội tổng hợp, phục hồi chức năng, ung bướu... Nhờ đó, BVĐK tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến rất hiệu quả.  Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, số bệnh nhân được phẫu thuật bằng các kỹ thuật mới ở nhiều chuyên khoa tăng gấp 5-7 lần so với những năm trước và không xảy ra tai biến. Không chỉ BVĐK tỉnh, nhiều BV trên địa bàn tỉnh đã được các bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật. Không chỉ được học hỏi về chuyên môn, các y, bác sĩ BVĐK tỉnh còn tiếp thu được tác phong làm việc khoa học hiệu quả.

          Tuy mới đi vào họat động được gần 2 năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của BV Sản Nhi tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần say mê học hỏi, các thầy thuốc tại đây đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các bác sĩ của BV Phụ Sản TW, Nhi Trung ương, BV Sản - Nhi tỉnh đã thực hiện tốt các kỹ thuật mới như: Phẫu thuật lấy khối máu tụ trong xuất huyết não, Cắt tử cung hoàn toàn qua nội soi, phẫu thuật nội soi trong điều trị vô sinh… Nhiều kỹ thuật khó được ứng dụng, nhiều trường hợp bệnh nặng được điều trị thành công đã mang lại niềm vui, hạnh phúc to lớn cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, như: phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhi trên 34 tuần tuổi bị xuất huyết não; nuôi dưỡng thành công một số trẻ sinh thiếu tháng, có cháu khi mới sinh ra chỉ nặng 700g - 900g, suy hô hấp nặng. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo được điều trị thành công, không phải chuyển lên tuyến trên.

         Đây là một kỹ thuật tương đối hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh phế quản, phổi. Thông qua nội soi có thể lấy dịch xét nghiệm, làm sinh thiết, điều trị, cầm máu, cắt khối u trong phổi và phế quản. So với phương pháp cũ (chụp Xquang), nội soi bằng ống mềm giúp chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn, phát hiện được khối u sớm và quan trọng hơn cả là người bệnh đã có cơ hội được điều trị ngay tại địa phương, không cần phải chuyển lên tuyến trên như trước, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Thông qua đề án 1816, bệnh viện Lao và bệnh phổi  đã tiếp nhận được kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm và có thể triển khai kỹ thuật này ngay tại địa phương, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, không phải chuyển tuyến trên.

          Song song với việc tiếp nhận các kỹ thuật ở tuyến trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã cử bác sỹ luân phiên về bệnh viện huyện 22 đợt, bệnh viện huyện cử bác sỹ luân phiên về tuyến xã 38 đợt để chuyển giao kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện tuyến huyện chuyển giao cho cơ sở y tế tuyến xã các kỹ thuật mới trong điều trị nội và nhi khoa, phẫu thuật nội soi, điều trị bệnh lý tai-mũi-họng, cấp cứu sản phụ khoa và ngoại khoa, kỹ năng chẩn đoán hình ảnh xét nghiệm lâm sàng.

         Nhờ vậy, các y, bác sỹ ở các tuyến y tế đều có chuyển biến tích cực; các bệnh viện tuyến huyện điều trị thành công cho nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo, không cần phải chuyển lên tuyến tỉnh, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận lợi cho người nhà thay nhau chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị.

          Mặc dù vậy, việc thực hiện Đề án 1816 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu bác sỹ chuyên khoa, số lượng bệnh nhân điều trị kỹ bằng phương pháp mới chưa nhiều bên cạnh đó cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của một số bệnh viện vẫn còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu ... thời gian đi luân phiên ngắn nên cán bộ chưa kịp tiếp cận với môi trường làm việc dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của Đề án.

          Có thể thấy, Đề án đã có tác dụng thiết thực đóng góp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, người dân các vùng miền được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao "tại chỗ", giảm việc chuyển tuyến, đỡ khó khăn cho người bệnh, cũng là thiết thực giúp "giảm tải" ở bệnh viện tuyến trên. Với tính nhân văn của các mục tiêu Đề án đề ra, không chỉ người bệnh ở các địa phương được hưởng các dịch vụ y tế, kỹ thuật cao mà các thầy thuốc ở các bệnh viện tuyến dưới cũng được trực tiếp các thầy thuốc tuyến trên cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật hết sức tận tình và hiệu quả...

 

 

Tác giả: Thu Trang