Trong những năm qua, công tác dân số-KHHGĐ xã Khánh Hội (Yên Khánh) có những đổi thay lớn, trở thành địa chỉ tiêu biểu của huyện trong công tác dân số-KHHGĐ.

Khánh Hội là một xã thuần nông, có địa bàn dân cư rộng, dân số đông (với 1.802 hộ/6.989 khẩu). Những năm qua, công tác dân số trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều người dân chưa hiểu đầy đủ về Pháp lệnh dân số, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng đột biến, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang là một thách thức với công tác dân số-KHHGĐ...

Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền xã đã bám sát Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Chiến lược Dân số-KHHGĐ tỉnh Ninh Bình... để đề ra những chủ trương đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, huy động các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia thực hiện công tác dân số-KHHGĐ. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số-KHHGĐ từng bước được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ được bổ sung, chất lượng hoạt động được nâng lên. Mạng lưới cộng tác viên dân số được bố trí đến tận thôn, xóm theo phương thức quản lý đến tận hộ gia đình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những bất cập trong quá trình thực hiện...Trên quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác dân số-KHHGĐ, công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ được triển khai rộng khắp trên địa bàn xã với nhiều hình thức như: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp hộ gia đình, sinh hoạt các CLB, tuyên truyền lưu động, băng zôn, khẩu hiệu..., chú trọng các loại hình tư vấn, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, thanh niên và người chưa thành niên. Với nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp với đối tượng như: tổ chức các hoạt động nhân "Ngày gia đình Việt Nam 28-6", tổ chức các buổi tọa đàm, gặp mặt những gia đình tiêu biểu "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", tuyên truyền mô hình xây dựng gia đình chuẩn mực, mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... đã góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện quy mô gia đình ít con của nhân dân trong xã, để tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, xã đã mời cán bộ dân số cấp trên về nói chuyện chuyên đề cung cấp những thông tin về dân số-KHHGĐ, về sàng lọc trước sinh và sơ sinh với nội dung và hình thức phù hợp cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cơ sở, từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các đợt chiến dịch truyền thông, đầu tư nhân lực, vật lực cho công tác tuyên truyền. Lãnh đạo xã, thôn thường xuyên tiếp xúc với cán bộ làm công tác dân số thông qua các buổi giao ban công tác dân số, với đối tượng qua các hội nghị chuyên đề, các buổi tư vấn đảm bảo thông tin 2 chiều. 100% các thôn, xóm đều xây dựng hương ước, quy ước thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ. Trong các chiến dịch truyền thông dân số lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ, xã đã có sự hỗ trợ kinh phí động viên những người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng các BPTT thực hiện KHHGĐ. Đến nay, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT hiện đại của xã đạt 76,6%, tỷ lệ sinh là 10,8%o (giảm 0,12%o so với năm 2010), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,5%, số trẻ khi sinh ra được lấy mẫu máu sàng lọc sơ sinh đạt 79%. Trong năm 2011, không có cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách KHHGĐ.