Đến nay, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong toàn tỉnh đã đạt khoảng 63% dân số, bao gồm cả đối tượng BHYT bắt buộc và tự nguyện. Bên cạnh hiệu quả mà người bệnh được thụ hưởng những bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa lại đang gặp những bất cập cần sớm quan tâm giải quyết.
Xem hình
Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào khám, chữa bệnh cho người dân tại Trung tâm y tế Hoa Lư

Khó vì... đặc thù

Đề cập đến những bất cập trong thực hiện KCB BHYT, bác sỹ Đinh Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Hoa Lư chia sẻ: Hoa Lư là huyện có địa bàn hành chính khá "đặc thù" với 11 xã, thị trấn nằm bao bọc xung quanh thành phố Ninh Bình. Theo quy định của Sở Y tế, để tạo thuận lợi cho nhân dân, 5 xã phía Nam của huyện được chuyển thẳng về tuyến tỉnh để KCB. Quy định này rõ ràng là phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho người dân trong KCB, nhưng đối với Trung tâm Y tế Hoa Lư lại là khó khăn đôi đường. Hoa Lư có 37.960 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, riêng 5 xã phía Nam của huyện đã chiếm 38% tổng số thẻ BHYT của toàn huyện, còn lại 62% KCB tại Trung tâm Y tế huyện, Phòng khám đa khoa khu vực cầu Yên và Trạm y tế các xã phía Bắc. Việc có đến hơn 1/3 lượng bệnh nhân mặc dù số thẻ BHYT do Trung tâm Y tế huyện quản lý nhưng lại đi KCB ở nơi khác không chỉ làm cho công tác quản lý thẻ BHYT của Trung tâm gặp khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các kỹ thuật và trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ ở bệnh viện huyện. Mặt khác, vì có tới 38% số thẻ BHYT đi KCB nơi khác còn là nguyên nhân khiến quỹ BHYT do Trung tâm Y tế huyện quản lý luôn trong tình trạng vượt quỹ. Quý I và quý II năm 2011, Quỹ BHYT của Trung tâm Y tế Hoa Lư vượt Quỹ trên 1,9 tỷ đồng.

Đối với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh lại gặp khó khăn trong KCB BHYT do đặc thù của một bệnh viện chuyên khoa. Bác sỹ Phạm Thông Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trước kia, tại Bệnh viện có khoảng hơn 100 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu, nhưng vì số lượng quá ít nên BHXH tỉnh đã điều chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu nên giờ Bệnh viện chỉ đón tiếp những bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến. Trong khi thực tế, nhu cầu KCB bằng phương pháp y học cổ truyền của người dân là rất lớn. Khó khăn trong KCB BHYT mà Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh gặp phải còn ở việc tính toán các chi phí KCB BHYT. Theo lãnh đạo Bệnh viện, để bào chế thuốc, các chi phí như: tiền công rửa thuốc, tiền điện, nước... không được BHXH tỉnh thanh toán (hiện chỉ mới được thanh toán tiền dầu). Do vậy, phần trích 30% từ BHXH phải dành để bù lại các chi phí trong bào chế thuốc... nên đời sống của cán bộ, công nhân viên chức trong Bệnh viện chưa được nâng cao. Bên cạnh đó, đặc thù của người bệnh điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền là thời gian điều trị dài, khoảng 20- 25 ngày, những người bệnh đến đây là thường là bệnh lành tính nên vừa đi làm, vừa đi điều trị. Theo quy định của Bộ y tế, những trường hợp này buộc phải cho điều trị ngoại trú. Do đó, người bệnh sẽ thiệt thòi hơn vì không được áp dụng các thủ thuật trong điều trị bệnh, thuốc sử dụng trong điều trị cũng ít hơn điều trị nội trú.

Bất cập sẽ sớm được giải quyết hợp lý

Làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, chúng tôi được biết thêm: Với tình hình thực hiện giá viện phí như theo quy định của Nghị định 95/NĐ-CP của Chính phủ cộng thêm những quy định về nơi KCB ban đầu như hiện nay, khó khăn sẽ đè nặng lên các Bệnh viện chuyên khoa như: Tâm thần, Mắt, Lao và bệnh phổi, Y học cổ truyền... và một số Bệnh viện tuyến huyện. Chính vì quyền lợi của người bệnh nên các Bệnh viện kể trên vẫn phải "sống chung" với những khó khăn.

Chia sẻ với những đơn vị y tế có khó khăn như Trung tâm Y tế Hoa Lư và một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh cũng thẳng thắn cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến nhiều tại các cơ sở y tế một phần do tâm lý của người bệnh muốn được KCB ở cơ sở y tế tốt nhất, một phần còn do chất lượng KCB ở tuyến cơ sở chưa đảm bảo, chưa phát huy được vai trò là cơ sở KCB ban đầu.

Đối với khó khăn mà Trung tâm Y tế Hoa Lư đang gặp phải vì có lượng bệnh nhân chuyển tuyến đông, với trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng KCB tại các cơ sở y tế trong huyện, nhất là các trạm y tế 5 xã phía Nam, nếu thực sự chất lượng KCB không đảm bảo và đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân chuyển tuyến, BHXH tỉnh sẽ xem xét, giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người dân như: để người dân các xã này được quyền đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành BHXH tỉnh cũng mong muốn ngành Y tế quan tâm sát sao hơn đến hoạt động KCB tại các cơ sở y tế, nhất là y tế cơ sở trong việc đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác KCB, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để các y tế cơ sở thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình khi đảm nhiệm việc KCB ban đầu cho nhân dân.

Để giải quyết tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT tại một số cơ sở y tế, BHXH tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng nhanh số người tham gia BHYT, nhất là đối tượng hộ cận nghèo và BHYT tự nguyện nhân dân; tăng cường công tác giám định BHYT để tránh những chi phí bất hợp lý mà các cơ quan BHXH phải chi trả như lạm dụng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, việc sử dụng thuốc... để giảm những chi phí không cần thiết; tiến hành ký hợp đồng KCB BHYT theo định suất đối với một số cơ sở y tế...

Thực tế thì những khó khăn mà một số cơ sở y tế trong tỉnh đang gặp phải cũng đã được 2 ngành Y tế và BHXH đưa ra họp bàn, tin chắc rằng trong thời gian sớm nhất sẽ có giải pháp phù hợp cho những khó khăn, bất cập nêu trên.