Dịp tết, gia đình nào cũng muốn chuẩn bị nhiều món ngon để dùng trong gia đình và biếu tặng. Trước nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng cao trong những ngày đầu năm mới, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp ngộ độc và bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm xảy ra trong dịp Tết, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc đảm bảo VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Xem hình

Cho đến nay tỉnh ta có gần 2 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm. Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống đều có quy mô nhỏ, hộ gia đình. Như thường lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm tăng mạnh, cũng là thời điểm tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn biến phức tạp. Các cơ sở sản xuất bánh chưng, giò chả, giết mổ gia súc gia cầm, các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng phụ gia, thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống đã hoạt động tương đối rầm rộ. Để bảo đảm VSATTP cho người dân, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh đã triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về VSATTP; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về VSATTP của nhân dân và doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và bệnh truyền qua thực phẩm. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực tế tại các cơ sở thực phẩm. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm VSATTP, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về VSATTP trong dịp Tết của địa phương. Các đoàn thanh tra tập trung vào những mặt hàng bánh kẹo, mứt, bia rượu, nước giải khát, sản phẩm từ thịt…, đặc biệt là những cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm VSATTP.

Tại  Cơ sở chế biến giò chả Lan xuyên. Qua quá trình kiểm tra cho thấy: Chủ cơ sở sản xuất giò chả lan Xuyên do được tập huấn về công tác VSATTP nên nhìn chung chủ cơ sở đã thực hiện khá tốt các công đoạn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP, sản phẩm giò chả không sử dụng hàn the. Cũng như chủ cơ sở giò chả Lan Xuyên đã thực hiện bày bán các mặt hàng đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chủ và nhân viên của Công ty đều được học vềVSATTP, được  khám sức khoẻ định kỳ.

Tại khu vực sản xuất mứt tết, bánh khảo ở cơ sở Loan Thành. (Phường Vân Giang- TP Ninh Bình), mặt bằng cơ sở rộng và thoáng. Quan sát công đoạn chế biến và thành phẩm, công nhân trực tiếp tiếp xúc với thành phẩm được trang bị trang phục chuyên dụng (nón, khẩu trang, găng tay). Sau khi hoàn tất, các thành phẩm được đưa lên giá kệ cao, thoáng.

Tại công ty THHH Anh Đức – đại lý độc quyền sản phẩm Kinh Đô… Qua kiểm tra, cho thấy công ty chấp hành khá đầy đủ các quy định về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng, các giấy tờ thủ tục pháp lý: hóa đơn chứng từ về nguồn gốc hàng hóa, giấy chứng nhận tham gia tập huấn, giấy khám sức khỏe của công nhân…

Được biết, trong năm 2011, đoàn liên ngành đã thanh kiểm tra được hơn 6500 lượt cơ sở, trong đó có hơn 1300 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm vi phạm, xử lý  gần 200 lượt cơ sở với số tiền phạt gần 200 triệu đồng; tổ chức lấy 240 mẫu  thực phẩm để kiểm nghiệm kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 90% đảm bảo còn lại 10 % không đạt chủ yếu là thực phẩm có các vi khuẩn ecoli, hàn the, thực phẩm ôi, khét... Qua đó, đã phát hiện sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm, đề ra các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả đóng góp chung cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất lớn đã có ý thức chấp hành tốt vệ sinh trong khuôn viên, dụng cụ, nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các thành phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ, vẫn còn một số cơ sở chưa có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, nhất là nguồn nguyên liệu phụ gia. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tem nhãn sản phẩm, như thiếu ngày sản xuất, thiếu thành phần chất lượng… Tại các cơ sở sản xuất nhỏ, ở các huyện, ý thức vệ sinh nhà xưởng, nơi kinh doanh còn kém, khu trực tiếp chế biến cũng bám nhiều khói bụi, khu bao gói thành phẩm không có lưới che chắn côn trùng. Nhiều cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, không tập huấn cho nhân viên chế biến thực phẩm và khám sức khỏe cho người lao động, không có giấy phép kinh doanh... Ở một số cơ sở sản xuất giò, chả tình trạng sử dụng hàn the hầu như đều có xảy ra. Khi được hỏi chủ cơ sở tại sao biết cấm mà vẫn sử dụng thì được biết cho vào để sản phẩm giòn, dai và để lâu không bị hỏng. Đoàn đã giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật, xử lý các vi phạm yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm không đạt chất lượng không cho lưu thông ra thị trường.

Để có một tết cổ truyền an toàn vui vẻ, bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc tăng cường kiểmtra đảm bảo VSATTP, các cơ sở tham gia chế biến thực phẩm cần thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân vật lực cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông thực phẩm. Đối với người tiêu dùng thực phẩm, kiên quyết không mua, không sử dụng các thực phẩm nghi ngờ, thực phẩm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP cần kịp thời cung cấp thông tin cho chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm; tìm hiểu các thông tin về lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn  để góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày vui xuân, đón Tết./.

 

 

Tác giả: Thu Trang