Mặc dù mới đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn, song những hoạt động cụ thể, thiết thực của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn quốc đã đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, tại địa bàn Ninh Bình, hoạt động này đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện khẩn trương, chặt chẽ ngay từ đầu chính vì thế đã thực sự đi vào chiều sâu và có tác động tích cực đến công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Xem hình
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất gì chả

Công tác kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ không chỉ tại công ty, các nhà máy chế biến với quy mô lớn, mà tại cả các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm nhỏ lẻ, không chỉ thực hiện trên các sản phẩm thành phẩm mà cả từ nguồn nguyên liệu đầu vào.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Ninh Bình, năm 2011, công tác hậu kiểm đối với các ngành hàng thực phẩm trên địa bàn đã đặc biệt được chú trọng. Đây là hoạt động kiểm tra, thanh tra sau khi cơ sở đã hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống hay là trường hợp sản phẩm hàng hóa đã lưu thông trên thị trường, sản phẩm quảng cáo đã đến với công chúng. Trên thực tế, hậu kiểm không phải là mới đối với việc quản lý chất lượng VSATTP, và năm 2011, là năm đầu tiên thực hiện chương trình hậu kiểm chất lượng VSATTP được thực hiện đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm, từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, buôn bán, vận chuyển cho đến khi sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh. Thông qua công tác hậu kiểm nhằm đánh giá thực trạng về chất lượng VSATTP của một số mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm để từng bước tăng cường công tác quản lý Nhà nước về mặt chất lượng, VSATTP, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa thực phẩm. Đồng thời, trên cơ sở  kết quả hậu kiểm, ngành chức năng có thể nắm bắt được thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước có chất lượng, hiệu quả, bảo đảm chất lượng VSATTP

Đối tượng chính của công tác hậu kiểm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống. Đối với cơ sở thực phẩm sẽ chú ý hậu kiểm điều kiện VSATTP của các cơ sở có nguy cơ cao, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Còn đối với sản phẩm thực phẩm sẽ căn cứ tình hình địa phương, tập trung hậu kiểm về chất lượng các nhóm thực phẩm chính, gồm: sữa, các sản phẩm từ sữa; các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; thịt và các sản phẩm từ thịt; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước giải khát… Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm còn được thực hiện đối với cả các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP nhằm đánh giá việc thực thi các Văn bản quy định của Nhà nước trong quá trình tham gia quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP.

Năm 2010, theo đánh gía của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cả nước đã có 12,65% các sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, con số này có thể còn cao hơn trên thực tế. Năm 2011 Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phát hiện sản phẩm thạch rau câu hương khoai môn nhãn hiệu Taro của công ty TNHH New Choice Foods (tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore2, Đường 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) có chứa DEHP, sản phẩm Tàu vị yểu Đông Cô có hàm lượng 3-MCPD, ớt bột có chứa Rodamine B và nhiễm vi sinh vật, …     Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2011 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có kế hoạch lấy 50 mẫu sản phẩm hậu kiểm đối với các cơ sở đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Đến tháng 10 năm 2011 đã thực hiện lấy 36 mẫu sản phẩm, sau khi thực hiện hậu kiểm, có 35 mẫu sản phẩm đạt, 01 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm nhưng không có vụ nào xảy ra do sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn. Kết quả trên phần nào đã cho thấy việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn đã đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực thường xuyên biến động và có phạm vi ảnh hưởng vô cùng rộng tới sức khỏe cộng đồng vì vậy mà cùng với các hoạt động tuyên truyền gíao dục thì công tác kiểm tra, hậu kiểm phải thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc mọi lúc mọi nơi.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục, năm 2012, Chi Cục VSATTP Ninh Bình tập trung cao độ việc thực hiện các công tác chuyên môn, giám sát, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về điều kiện sản xuất, điều kiện con người để nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng, trang bị cho cộng đồng những kiến thức, kinh nghiệm trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

 Kiều Oanh - Chi cục ATTP