Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2012), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tống Quang Thìn, TUV, Giám đốc Sở Y tế những nội dung xoay quanh việc thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Xem hình
Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ y tế Ninh Bình.

Phóng viên (P.V):

Thưa đồng chí, được biết nét nổi bật trong các phong trào thi đua của ngành Y tế thời gian qua là phong trào học tập theo tấm gương anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về phong trào này?

Đồng chí Tống Quang Thìn: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/2/2006, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua học tập, noi gương anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong toàn ngành. Từ đó đến nay, phong trào này đã được các đơn vị trong toàn ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành Y tế Ninh Bình nói riêng hưởng ứng tích cực.Riêng đối với ngành Y tế Ninh Bình, Sở Y tế đã phối hợp cùng Công đoàn ngành tổ chức phát động phong trào thi đua học tập, noi gương anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm từ năm 2006, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào đã được phát động tới từng khoa, phòng và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong ngành, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi và một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng. Để triển khai phong trào này, các đơn vị trong ngành đã thành lập Ban chỉ đạo tại đơn vị, tổ chức các cuộc tọa đàm; ngành Y tế đã gắn phong trào này với những hoạt động văn nghệ như tổ chức đêm thơ, đêm nhạc “Thắp sáng ngọn lửa Đặng Thuỳ Trâm”, hội diễn văn nghệ...Qua 6 năm, có thể thấy phong trào thi đua này đã có những ảnh hưởng sâu rộng, tích cực và nhiều mặt tới công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung cũng như công tác khám, chữa bệnh nói riêng.

P.V:Thưa đồng chí, các phong trào thi đua của ngành đã có tác động như thế nào đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh nói riêng, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung?

Đồng chí Tống Quang Thìn: Có thể nói, các phong trào thi đua trong ngành Y tế đã có những tác động sâu rộng, mạnh mẽ, tích cực trên nhiều mặt đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và công tác khám, chữa bệnh nói riêng. Tầm vóc, vai trò và vị thế ngành Y tế Ninh Bình đã được nâng lên một bước. Ngành Y tế nhiều năm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư. Nhiều năm trên địa bàn không có dịch bệnh và ngộ độc thức phẩm lớn, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; công tác DS/KHHGĐ được triển khai và đạt được nhiều kết quả to lớn. Công tác quản lý, cung ứng dược ngày càng được chú trọng. Phong trào thi đua xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế đã mang lại kết quả thiết thực, có 126/146 xã được công nhận đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành đã tổ chức các đợt khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người nghèo và người có công với cách mạng. Phong trào hiến máu nhân đạo được đoàn viên, thanh niên tham gia hưởng ứng tích cực và góp phần cứu sống nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức đã được nâng cao một bước. Nhiều đơn vị đã xây dựng được nét đẹp văn hóa bệnh viện, tổ chức các lớp học về kỹ năng giao tiếp, thực hiện tốt khẩu hiệu "Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở - Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình - Bệnh nhân về dặn dò chu đáo".Chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, từng bước đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới đã được đưa vào triển khai phục vụ bệnh nhân như phẫu thuât phaco, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não, cột sống, chăm sóc và cấp cứu sơ sinh... Tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên trong những năm qua đã giảm khoảng 70%, rút ngắn dần khoảng cách về chuyên môn với tuyến Trung ương.

P.V:Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn vững vàng luôn là đòi hỏi bức thiết đối với ngành Y tế. Đến nay, ngành đã có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này?

Đồng chí Tống Quang Thìn: Đào tạo nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là điểm mấu chốt trong việc phát triển ngành Y tế. Trong nhiều năm qua, nhân lực ngành Y tế Ninh Bình vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học. Số lượng bác sĩ thiếu rất nhiều, nhất là ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như: Bệnh viện Tâm thần, Lao, Điều dưỡng, phục hồi chức năng, các trung tâm y tế thuộc hệ dự phòng và các trung tâm y tế tuyến huyện. Chúng tôi đang cố gắng tập trung tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ cần thời gian dài (5 - 6 năm), vì vậy cần phải có lộ trình. 

Hiện tại để đảm bảo số lượng bác sỹ, dược sỹ đại học, chúng tôi đang phối hợp với các trường đại học y tổ chức đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng, đã có 171 học sinh đang theo học hệ này, khóa đầu tiên sẽ ra trường vào năm 2013, như vậy, trong khoảng thời gian 4 năm nữa sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về bác sĩ tại các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã cử các cán bộ y tế xã đi học bác sĩ liên thông hệ 4 năm để đảm bảo nhân lực cho tuyến xã. Song song với những biện pháp trên, ngành cũng đã cố gắng tạo môi trường công tác tốt để thu hút bác sỹ về làm việc; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách thu hút đối với bác sỹ, dược sỹ đại học về công tác tại tỉnh nhà. Trong 2 năm qua, toàn ngành đã thu hút được trên 80 bác sĩ mới ra trường về công tác.Bên cạnh việc quan tâm bổ sung đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành, đặc biệt là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện cử các bác sĩ đi học chuyên khoa cấp 1, cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời cử các cán bộ đi học các kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn theo dạng “cầm tay chỉ việc” kết hợp với nhận chuyển giao các kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh.

P.V:Xin cảm ơn đồng chí!